1. Đừng dễ dàng chấp nhận sự sắp xếp công việc của những người không trực tiếp lãnh đạo bạn
Lãnh đạo của bạn là lãnh đạo của bạn, Bởi vì người đầu tiên tiếp nhận, huấn luyện, đào tạo và đánh giá bạn là người lãnh đạo trực tiếp của bạn. Vì thế nên tiếng nói của người đó là có trọng lượng nhất. Do đó, nếu lãnh đạo cấp cao giao nhiệm vụ cho bạn thì đừng vội từ chối, bạn có thể lịch sự tiếp nhận, và có thể nói tôi sẽ về báo cáo với XXX.
Dù chấp nhận trực tiếp hay thụ động, bạn phải báo cáo với sếp của mình càng sớm càng tốt, mô tả bối cảnh lúc đó và tuân theo sự sắp xếp của sếp. Nếu sếp của bạn cho rằng bạn không nên làm điều này, hoặc bạn có công việc quan trọng hơn không thể phân tâm, sếp của bạn có khả năng sẽ trao đổi với lãnh đạo cấp trên, nói rằng bạn có một công việc rất quan trọng, và sẽ sắp xếp một người khác thay thế. Đây chính là giải pháp hoàn hảo. Nếu bạn dễ dàng đồng ý, không có chỗ cho lãnh đạo trực tiếp của bạn đứng ra hòa giải, thì rất có thể bạn sẽ bị phê bình, mất thời gian và công sức làm việc nhưng lại không làm hài lòng cả hai bên.
2. Đừng vì những việc riêng của bộ phận bạn mà làm mất lòng những người ở bộ phận khác
Những người trẻ mới được tuyển dụng có xu hướng rất coi trọng công việc cũng như sự vinh nhục của bộ phận mình. Khi gặp phải sự chồng chéo cũng như những bất đồng trong công việc, họ thường không nhượng bộ và dựa vào lí lẽ để tranh luận. Thái độ như vậy là không sai nhưng thường thì những người lỗ mãng sẽ rất dễ làm mất lòng lãnh đạo các phòng ban khác.
Ngoài ra, việc luân chuyển công việc giữa các bộ phận khác nhau trong công ty cũng diễn ra khá thường xuyên. Bạn sẽ không thể nào biết được người mà bạn xúc phạm ngày hôm nay sẽ trở thành lãnh đạo bộ phận của bạn vào ngày mai, hoặc cũng có khả năng bạn sẽ bị luân chuyển sang bộ phận khác làm việc. Ngay cả khi họ rộng lượng, không chấp nhặt thì sự không tự nhiên, ngượng ngùng này cũng sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian. Vì thế, chúng ta nên xử sự có tình có lí để tránh phải khó xử khi chạm mặt nhau sau này.
3. Đừng dùng bí mật đổi lấy bí mật
Một bí mật mà nhiều hơn một người biết thì không bao giờ được gọi là bí mật. Bạn đánh đổi bí mật của mình để lấy bí mật của người khác, và cuối cùng bí mật của cả hai đều sẽ bị mọi người biết đến. Người bạn tốt mà bạn cho rằng sẽ không bao giờ lan truyền bí mật của bạn ra bên ngoài, họ cũng sẽ tin rằng bạn bè của họ đều là những người kín miệng khi đem bí mật của bạn kể ra.
4. Đừng nghiêm trọng hóa vấn đề
Có nhiều thứ sẽ trở thành siêu hình nếu bạn suy nghĩ quá nhiều, vì thế hãy nghĩ đơn giản hơn một chút, bạn sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn rất nhiều. Ví dụ, cấp trên gọi bạn lại nói chuyện và nhắc nhở vào buổi sáng, bạn lại cứ nghĩ xem bản thân mình có làm gì sai không, có đồng nghiệp nào đó nói xấu bạn hay không, sếp có thích bạn hay không, liệu bạn có sắp bị chuyển công tác hay không, v.v.. Thực tế, rất có thể cấp trên của bạn đã có một buổi sáng không tốt khi vừa cãi nhau với người nhà và vẫn chưa nguôi ngoai cơn giận.
5. Đừng đánh giá quá cao thời gian tác động của một sự kiện
Dù đó là một vinh dự hay một sai lầm, sự chú ý của người khác không lâu như bạn nghĩ. Ví dụ, nếu cấp trên phê bình bạn, nhưng đến nửa năm sau bạn vẫn cho rằng cấp trên còn đang tức giận vì việc đó. Điều này chẳng phải có nghĩa là bạn không hài lòng với bản thân và đang tự rước phiền não vào mình sao. Trên thực tế, rất có thể cấp trên của bạn đã hoàn toàn quên mất chuyện đó sau hai ngày rồi.
Tương tự như vậy, nếu bạn được thăng chức hoặc đạt được thành tích cao trong công việc, đừng nghĩ rằng mọi người sẽ nhớ điều này mỗi ngày. Nhiều người có thể vừa chúc mừng, ca ngợi bạn, nhưng sau đó quay đầu lại quên ngay. Vì lý do tương tự, đừng cho rằng đối xử tốt với người khác thì họ sẽ nhớ đến và mang ơn bạn suốt đời. Hãy nhớ rằng, thời gian có thể làm lu mờ đi mọi thứ, kể cả là hận thù.
6. Đừng đem những chuyện xấu hổ của đồng nghiệp ra làm đề tài nói chuyện
Cho dù đó là khoảng thời gian rỗi rãi sau bữa ăn hay sau khi giao lưu và uống rượu với đồng nghiệp, bạn chỉ nên nói về những chuyện riêng của bản thân mình. Nếu như không có đề tài để trò chuyện, bạn có thể đề cập đến những vấn đề, tin tức đang hot trong và ngoài nước, v.v.. Đừng bao giờ kể về những điều đã và đang xảy ra với đồng nghiệp của bạn dù đó là điều tốt hay xấu. Bởi vì rất có thể họ sẽ đem câu chuyện này kể lại như một trò đùa cho những người khác nghe.
Nhiều người trong chúng ta thường có thói quen trước khi kể thì hay nhấn mạnh rằng “Hôm trước XXX đã nói với mình rồi, các bạn cứ nghe đi nhưng đừng phát tán nhé!”. Tất nhiên, sau một thời gian, đồng nghiệp XXX của bạn bỗng dưng tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt với bạn, và đến lúc này bạn lại thắc mắc: XXX có vấn đề gì với mình sao? Mình không gây sự cũng không có xích mích gì với anh ấy mà nhỉ? Trên thực tế, đồng nghiệp của bạn là người có đủ trình độ học vấn và chỉ số EQ nên họ không muốn vì chuyện này mà đến gây gổ với bạn thôi.
7. Đừng đứng quá gần đồng nghiệp khi trao đổi công việc
Trao đổi, bàn bạc công việc ở một khoảng cách quá gần sẽ rất dễ khiến người khác sinh ra cảm giác khó chịu, ức chế. Hơn thế nữa, sau một vài lần tiếp xúc ở cự ly quá gần, họ sẽ rất miễn cưỡng khi giao tiếp với bạn. Hãy giữ khoảng cách thích hợp với đồng nghiệp, đặc biệt là đồng nghiệp khác giới. Không nên ở một mình với đồng nghiệp khác giới trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu cần nói chuyện riêng, hãy mở cửa.
8. Đừng xem công ty là nhà và đồng nghiệp là bạn bè thân thiết
Bạn phải có một tí “mưu mô” ở nơi làm việc, nếu không thì thật sự khá khó để hòa hợp với mọi người. Đừng quá ngây thơ mà đem tất cả chuyện riêng tư trong cuộc sống của bản thân kể với người khác. Bạn cho rằng họ thật sự quan tâm đến bạn? Có thể là có, nhưng phần nhiều họ chỉ đơn giản là nghe bạn kể chuyện, thậm chí khi nghe bạn kể về những khó khăn, bất bình trong công việc, trong lòng họ thậm chí còn có đôi chút hả hê, coi thường bạn.
9. Đừng quá coi trọng thể diện ở nơi làm việc
Đừng quá quan tâm đến cái gọi là thể diện, cũng như đừng quá để tâm đến sự đánh giá và cách nhìn của người khác đối với bạn. Khi bạn không có thực lực, không có kỹ năng thì thể diện chỉ là thứ do bạn tưởng tượng ra mà thôi và chẳng ai quan tâm đến nó cả. Người càng bất tài càng sĩ diện hão, người thực sự có năng lực sẽ dám bỏ qua sĩ diện để nỗ lực kiếm tiền. Khi bạn có thể dùng tiền hoặc địa vị của mình để tìm lại thể diện có nghĩa là bạn đã thành công. Còn khi bạn có thể dùng thể diện để kiếm tiền thì điều đó chứng tỏ bạn đã trở thành một người có tiếng nói, có tầm ảnh hưởng.
10. Đừng xem thường bất cứ ai, kể cả bản thân bạn
Bạn sẽ không thể nào biết được người mà bạn tiếp xúc có gia cảnh, có địa vị như thế nào. Bởi thế, đừng nên đánh giá một người chỉ qua công việc hay tính cách, danh tiếng của họ. Hãy là chính mình và đừng làm mất lòng người khác vì những điều nhỏ nhặt.
Bên cạnh đó cũng đừng dễ dàng tự ti, coi thường bản thân mình. Ngoại trừ một vài công việc, vị trí mang tính chuyên môn cao trong doanh nghiệp, thì những công việc còn lại không hẳn là quá khó. Miễn là bạn không ngừng nỗ lực, dồn tâm huyết vào việc trau dồi, rèn luyện mỗi ngày thì ít nhiều cũng đạt được những thành tích nhất định và có được sự tôn trọng của mọi người.